Lượt xem: 776

Tỉnh ủy Sóc Trăng ban hành chương trình về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030

Quán triệt các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy Sóc Trăng ban hành Chương trình số 35-CTr/TU, ngày 24/3/2023 thực hiện Nghị quyết, nội dung cụ thể như sau:

 


Nguồn dangcongsan.vn

 

    Về mục tiêu tổng quát

    Xây dựng tỉnh Sóc Trăng trở thành tỉnh có nền sản xuất công nghiệp phát triển ở mức khá, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của Nhân dân được nâng cao. Phát triển công nghiệp phù hợp với năng lực sản xuất mới; từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển đồng bộ với công nghiệp, nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng dịch vụ xanh, công nghệ số gắn với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao.

    Về mục tiêu cụ thể đến năm 2030

    (1) Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8,5 - 9% giai đoạn 2021-2030. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 8%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 9%/năm.

    (2) Tỷ trọng của khu vực Công nghiệp và Xây dựng trong cơ cấu GRDP đến 2030 đạt 36%.

    (3) GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt trong khoảng 124 triệu đồng (tương đương 5.368 USD).

    (4) Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 35 - 40% vào năm 2030.

    (5) Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt 45%.

    Mục tiêu cụ thể đến năm 2045: Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế phát triển khá so với cả nước.

    Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu trên, Tỉnh ủy xác định 10 nhóm nhiệm vụ, giải quyết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới:

    (1). Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

    Giai đoạn đến năm 2030, tập trung thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng sản phẩm; thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tái cơ cấu nội ngành công nghiệp nhằm phát huy lợi thế so sánh của địa phương; đẩy mạnh phát triển công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; chuyển đổi các ngành công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải các-bon thấp; cơ cấu lại các ngành nông nghiệp và dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại hình dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị gia tăng cao, đẩy nhanh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Giai đoạn 2031-2045, tiếp tục nâng cao chất lượng công nghiệp hóa và đẩy mạnh hiện đại hóa toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.

    Tổ chức đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách có liên quan đến các cấp chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân. Thực hiện phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; bảo đảm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Nâng cao năng lực dự báo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện.

    (2). Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

    Nghiên cứu cụ thể hóa các quy định của Trung ương phù hợp với tình hình, điều kiện, yêu cầu của tỉnh; triển khai, quán triệt các nghị quyết, kết luận của Đảng có liên quan đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tổ chức thực hiện quy định pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh, năng lượng...; thực hiện các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất thông minh; tham gia xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật của các ngành, lĩnh vực sát với thực tiễn, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.

    Thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và thành phố thông minh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ phù hợp cho từng giai đoạn gắn với mô hình khu, cụm công nghiệp sinh thái, thông minh và khu đô thị công nghiệp - thương mại - dịch vụ.

    Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh, trong nước và thông lệ quốc tế; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và triển khai; tạo thuận lợi cho đầu tư phát triển sản phẩm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh; thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững, phù hợp với xu thế của thế giới, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia.

    Thực hiện các chính sách đất đai, tín dụng, tài chính, khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy và hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

    Tăng cường phân cấp huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các hạ tầng dùng chung, hạ tầng liên kết vùng trong tỉnh; tổ chức lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, nhất là trong các lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, logistics, du lịch, các dịch vụ mới của nền kinh tế số.

    Hoàn thiện các tiêu chí về đầu tư, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư có năng lực để thực hiện các dự án tại địa phương phù hợp với chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

    (3). Xây dựng ngành công nghiệp vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng

    Đẩy nhanh thực hiện các chủ trương của Đảng về định hướng xây dựng chính sách phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh; tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp; triển khai thực hiện quy hoạch phân bố không gian phát triển công nghiệp theo hướng gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế biển phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, lợi thế của từng vùng, bảo đảm tính chuyên môn hóa, tính liên kết nội vùng và liên vùng; hình thành nhanh các khu công nghiệp, trọng tâm là hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp; xây dựng và triển khai có hiệu quả quy hoạch vùng nguyên liệu cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là đối với các ngành chế biến nông thủy sản và  thực phẩm.

    Triển khai tích cực Chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045) theo hướng chú trọng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường, tăng cường năng lực sáng tạo và thiết kế, phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải Các-bon thấp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn.

    Thực hiện hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành công nghiệp; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh có lợi thế như chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, da giầy, điện gió,... hướng tới ngành công nghiệp hiện đại, ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phầm có hàm lượng khoa học - công nghệ cao. Triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển: chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, da giầy, công nghiệp điện.

    Quy hoạch không gian phát triển công nghiệp phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; nghiên cứu hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp; xây dựng và triển khai có hiệu quả quy hoạch vùng nguyên liệu cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là chế biến nông sản, thủy sản và thực phẩm. Hình thành hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế biển hiện đại quy mô lớn và hệ thống các cụm công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp tại khu vực nông thôn.

    Nghiên cứu chính sách nâng cao năng lực ngành xây dựng; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp ngành xây dựng, hoạt động hiệu quả. Phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, tiến tới dừng các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, ưu tiên phát triển vật liệu xanh, vật liệu mới thân thiện với môi trường.

    (4). Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo

    Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng kết nối nông thôn với đô thị, nhất là hạ tầng thủy lợi, giao thông vận tải, hạ tầng thương mại, kho bãi, bảo quản, chế biến nông sản; đẩy nhanh xây dựng hạ tầng số và dữ liệu số nông nghiệp, nông thôn; nâng cấp, hiện đại hóa và phát triển sàn giao dịch cho các nông sản chủ lực. Hình thành các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tại một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Tập trung thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các khu, cụm công nghiệp, cảng biển nước sâu Trần Đề.

    Phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản; tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại hóa trong toàn bộ chuỗi cung ứng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp và dịch vụ; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản. Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên bố trí nguồn lực và có cơ chế, chính sách đặc thù để xã hội hóa; thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.

    Cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số; phát triển dịch vụ công nghệ cao, các loại dịch vụ mới của nền kinh tế số; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, dịch vụ logistics. Xây dựng chính sách tạo đột phá trong phát triển lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch; phát triển du lịch phải tạo nét đặc sắc riêng so với các tỉnh trong khu vực, theo hướng bền vững, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm sinh thái. Thu hút đầu tư, phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi. Khuyến khích phát triển thương mại điện tử; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

    (5). Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

    Phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa, khu vực và toàn cầu; chuyển đổi cơ chế đầu tư, quản lý tài chính trong lĩnh vực khoa học, công nghệ theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

    Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chú trọng giáo dục, phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất chất người học; nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực nghiên cứu khoa học của các trường cao đẳng, trung cấp và các tổ chức khoa học công nghệ của tỉnh; triển khai đào tạo kiến thức, kỹ năng về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các trường phổ thông; khuyến khích phát triển các nền tảng dạy và học trực tuyến mở, các mô hình thích ứng với quá trình chuyển đổi số. Tiếp tục đổi mới đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động; xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chuyên gia, nhân lực chất lượng cao, lao động kỹ thuật có tay nghề trong các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên; chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phát triển nhân lực nghiên cứu, chuyên gia trong nông nghiệp.

    (6). Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

    Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng, hạ tầng số, các công trình hạ tầng xã hội về y tế, giáo dục của vùng; tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đầu tư phát triển hệ thống giao thông theo quy hoạch; ưu tiên các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa; nâng cao hiệu quả đầu tư công, nhất là trong lập và quản lý thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tăng cường quản lý thu ngân sách, minh bạch và sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước; tăng chi cho đầu tư phát triển, ưu tiên các nhiệm vụ trọng tâm, công trình trọng điểm, giảm chi thường xuyên; đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng để huy động nguồn lực cho phát triển.

    Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh, có tính kết nối theo mạng lưới cao và gắn kết chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hoàn thiện mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành phát triển đô thị và phát triển các trung tâm kinh tế biển. Khuyến khích phát triển mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, nhất là tại các đô thị, vùng đô thị có mật độ dân số cao; tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiệm cận với tiêu chí đô thị sinh thái.

    (7). Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa

    Thực hiện đồng bộ, quyết liệt chủ trương của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); xây dựng và khuyến khích phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng,...

    Tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện một số nhiệm vụ có tính dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; chú trọng chính sách mua sắm công và các chính sách nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước.

    Nâng cao hiệu quả thu hút FDI, đảm bảo thu hút các dự án có chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ cao, tuân thủ tiêu chuẩn về môi trường, thu hút lao động có kỹ năng của các công ty đa quốc gia lớn gắn với yêu cầu phải chuyển giao tri thức, công nghệ và quản trị; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

    Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

    (8). Đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh, bền vững

    Nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính theo nguyên tắc thị trường; đa dạng hóacác hình thức huy động và sử dụng nguồn lực; thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân; ưu tiên nguồn lực ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông liên kết vùng, hạ tầng năng lượng, chuyển đổi số, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nâng cao hiệu quả đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và chính quyền, các ngành, các cấp trong sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

    Triển khai chính sách phù hợp về đầu tư, tài chính, ngân sách; xác định tỷ lệ nguồn thu giữ lại hợp lý đối với các huyện, thị xã, thành phố, bảo đảm phát huy vai trò của các cực tăng trưởng kinh tế trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sử dụng hiệu quả chính sách đặt hàng sản xuất và chính sách mua sắm công để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ và sản xuất.

    Nghiên cứu, triển khai chính sách ưu đãi về thuế phù hợp với thông lệ quốc tế, hướng tới trọng tâm ưu tiên thúc đẩy phát triển hệ sinh thái và chuỗi giá trị sản xuất, dịch vụ hiện đại. Thực hiện các chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; nghiên cứu, triển khai tài chính xanh, tín dụng xanh.

    (9). Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước

    Khai thác và sử dụng tài nguyên hiệu quả; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện sinh khối, điện mặt trời phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của tỉnh; xây dựng chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp tái chế và công nghiệp tái tạo; phát triển công nghiệp sử dụng triệt để chất thải rắn, chất thải công nghiệp, tái chế chất thải xây dựng.

    Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển mạnh ngành công nghiệp môi trường; quan tâm mua sắm công đối với sản phẩm thân thiện môi trường; khuyến khích phát triển dịch vụ cải tạo, phục hồi môi trường, hệ sinh thái tự nhiên; có lộ trình phù hợp giảm tối đa, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; hỗ trợ phát triển các mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm, sản xuất sản phẩm xuất khẩu có nguyên liệu tại địa phương thân thiện với môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp.

    Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khai thác hiệu quả mạng lưới liên kết vùng; nghiên cứu, thiết lập các mối quan hệ hợp tác chiến lược với các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế để trao đổi, học tập kinh nghiệm phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

    (10). Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm tốt an sinh xã hội

    Xây dựng giá trị văn hóa, con người Sóc Trăng trên nền tảng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hình thành môi trường văn hóa số; phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả các ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa gắn với phát triển du lịch; khắc phục khoảng cách chênh lệch về hạ tầng văn hoá giữa thành thị và nông thôn; chênh lệch về mức thụ hưởng văn hóa giữa các giai tầng, các nhóm xã hội, các cộng đồng dân cư.

    Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho gia đình chính sách, đồng bào dân tộc và công nhân làm việc ở khu, cụm công nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. Ưu tiên quỹ đất, vốn và có các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho triển khai xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp; bảo đảm đáp ứng đồng bộ hạ tầng xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, tạo chỗ ở ổn định, nâng cao đời sống để công nhân an tâm lao động sản xuất.

    Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng kế hoạch cụ thể gắn với hệ sinh thái gồm: Việc làm, chế độ đãi ngộ, tiền lương, hệ thống an sinh, xã hội,… đảm bảo thu hút người giàu, người giỏi về tỉnh thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình mới.

    Triển khai hệ thống đảm bảo an sinh xã hội tiên tiến, hiện đại, nhất là về chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ bảo hiểm y tế, tín dụng chính sách đối với người nghèo và gia đình chính sách; quan tâm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế. Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản; khuyến khích và có chính sách ưu đãi phát triển đa dạng các mô hình sản xuất và dịch vụ có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với hộ nghèo ở vùng nông thôn.

Hồng Nhi



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 390
  • Trong tuần: 67,710
  • Tất cả: 11,851,899